Thứ sáu, 29/03/2024,

THƠ VŨ XUÂN HỒNG Từ Đời người đến (18/09/2013)

 

 

Cõi Thiêng tập thơ của nhà thơ Vũ Xuân Hồng (Nxb Hội nhà văn ấn hành quý II 2012). Với tôi, điều nổi bật trong tính toàn thể, nhất quán thơ Xuân Hồng đã cất lên những niềm hy vọng mãnh liệt và cảm động của con người. "Cõi thiêng" thì biểu hiện đa dạng nhưng đích đến thì quy chụm. Thay vào đó là những liên tưởng rất đời và cũng rất người. Tôi hiểu từ cái nội lực văn hoá đến quá trình sáng tạo tác phẩm, ý thức nhà thơ trong biểu hiện ngôn ngữ riêng biệt, có tính sáng tạo và xuyên qua độ dày của các lớp văn hoá. Ở đây người đọc tinh tế có thể cảm nhận được chiều sâu và sự chuyển động của sự vật "Cây Đại chùa Yên hoa":


Ba cây đại cổ chùa Yên Hoa
Xuân hạ đơm bông cánh trắng ngà
Cảnh cũ người xưa hồn phảng phất
Gửi cả nỗi niềm trong cánh hoa


Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ văn chương (thực ra là ngôn ngữ thơ của tác giả). Đây là nguyên tắc phối cảnh hình khối, phép viễn cảnh, luật pha màu sáng, tối bằng ngôn ngữ đã tạo được sức xâm nhập sâu hơn vào thực tại. "Chớ mê cầu phúc khắp nơi/ Hãy làm việc phúc giữa đời yêu thương ..." Lời tác giả như tâm sự sâu xa, trên nhận thức đúng đắn mới có thể vững tâm tiếp tục khám phá thế giới nghệ thuật và vẻ đẹp "về miền tâm linh" "Con đường tâm linh" ("Thiền" Đặc biệt, nhà thơ đã dựng lên những không gian thiên nhiên bát ngát theo cái cách tan biến vào thiên nhiên/ hoà lẫn với thiên nhiên:
(Cây Đại chùa Yên hoa, Chuyện tình Thượng Yên Công, Đỉnh Yên Sơn, Am dược tiên, Cõi thiêng ...)

Tầng tầng lớp lớp áng mây trôi
Tụ đỉnh non thiêng chẳng muốn rời
Hồn cứ mênh mang nơi đất Phật
Chở nặng đầy vơi những nỗi đời
(Phù Vân Yên Tử - )


Câu thơ "Chở nặng đầy vơi...", sau khi tiếp cận với thế giới hiện thực ở chiều sâu, nhà thơ tiến thêm một bước nữa, nhìn vào cực bên kia là sự hoá hoá, sinh sinh:

... Thân người hoá đã còn đan nỗi đời
Trăng khuya tiếng hạc lưng trời
Bạt ngàn rừng trúc dáng người trần gian
(Cõi thiêng - )


Mặt khác, trong thơVũ Xuân Hồng không một hình ảnh nào lại có mặt với một mật độ dày đặc như một thế giới phì nhiêu, nhiều tầng sinh quyển, nhiều cá thể cộng sinh, chen chúc, đầy hoan lạc (Đường tùng rừng trúc, suối reo, gốc cây, dáng núi, bông đại, ngàn vì sao và đầy trăng khuya...). Nơi đây có nhiều, rất nhiều những không gian giàu sức lan toả, nặng tình ân nghĩa: "Đường về Đất Phật"... theo làn mây trắng, suối trong, Rừng hoa "hay cả nỗi niềm trần gian" bởi:
Đất trời vần vũ nắng mưa/ Đời người may rủi, được thua, thăng trầm. Từ sâu thẳm, nhất quán, cởi mở chân thực đến nồng nhiệt. Đó cũng chính là sự thể hiện sắc nét nhất cái quan niệm thẩm mỹ của tác giả "Cõi thiêng". Không phải là "thần bí hoá" hay siêu hình; tác giả đã "mã hoá", đã lý giải với sức thuyết phục: "Niết bàn" ở chính cuộc đời; ở giữa đời người:


Phật ở giữa đời - Phật tại tâm
Tâm ta sáng nơi Phật về trú ngụ
Thỉnh hồi chuông ấm tứng dòng kinh sử
Thăm thẳm rừng người, rừng trúc xôn xao
(Non thiêng Yên Tử )

 

Nhưng với một nhân sinh quan khoẻ khoắn cùng với bản tính tự nhiên, hồn thơ tác giả luôn hướng về sự sống, về ánh sáng, đó là tấm lòng "Còn mãi với thời gian". Thật đúng vậy!

 

Chẳng có vật nào tồn tại mãi với thời gian
Sắt thép xi măng đâu phải là vĩnh cửu
Công trình hôm nay là đỉnh cao tuyệt mỹ
Thì ngày mai sẽ cũ kỹ suy tàn
(Sự vĩnh cửu )



Thơ tác giả Xuân Hồng đã có một mùa màng nặng hạt: Từ thể điệu lục bát, thơ Đường, tự do có khổ, có vần diễn ta được cảm xúc tâm tình càng về sau là cả một nỗ lực bứt phá trong xác lập ý, hình ảnh hoá, cảm xúc hoá với cách tân gieo vần linh hoạt và giọng điệu thơ anh có những biến tấu, tài hoa:

Giữa đời Phật ở trong ta
Biết yêu đồng loại ấy là chân Kinh
(Thiền)
Hay như:
Đá thiêng thấp thoáng dáng người
Trần tư đứng giữa
Đất trời
Mênh mông
...
Đâu là đá đã hoá người
Đâu người hoá đá
Luân hồi
Trong ta!
(Đá thiêng Yên Tử )


"Đời người" là sự vận dụng cảm quan sắc lạnh, tác giả không ngần ngại xuất hiện trực tiếp trên diễn ngôn thơ:

Chung nhau một cõi vô thường
Khác nhau dài, ngắn chặng đường trần gian
Đời người tựa giấc chiêm bao
Biết sao sống chết khi nào ở đâu?


Đọc nghe gai người, ớn lạnh cũng là đấy nhưng bất chợt cũng nhận ra chân lý như một dòng chảy không ngơi nghỉ:

Lúc sống người biết thương nhau
Đến khi li biệt đỡ đau đớn lòng
Tìm về bến nước dòng sông
Phù sa bồi đắp cánh đồng trần gian


Nhà thơ hướng sự quan tâm đến không gian sống khách quan của con người, đặt con người vào bề rộng của không gian và thời gian của nhiều mối quan hệ.
CÕI THIÊNG hơn hết, biết chìm đi trong sự lên ngôi của sự kiện, mờ đi trong bề bộn của kiểu ngôn ngữ hướng ngoại ... thơ chỉ thiên về gợi để người đọc phán đoán, nhận diện. Vì thế cảm xúc trữ tình không rơi vào trạng thái áp đặt mà được trả về cho ngưỡng của người đọc. Thiết nghĩ, đó cũng là thành tựu cần và rất đáng ghi nhận, đáng tôn vinh của tập thơ.
 

Đầu thu 2012
VÕ THANH THUỶ

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: