Thứ sáu, 20/09/2024,

Giới thiệu tập thơ "Giá có thể": Ngọn gió thổi qua tâm trạng (Nhà thơ Nguyễn Bình Phương) (14/06/2017)

 

 

 

 

            Tôi nghĩ mỗi nhà thơ đều có tạng của mình, cái tạng ấy quy định thế giới quan của nhà thơ đó. Tạng là cái khó thay đổi, gần như là mặc định.


            Tạng của Trương Nam Chi là tạng cả nghĩ. Dù chị viết về đề tài nào, ở khía cạnh nào thì cũng vẫn cứ thiên về những cật vấn nội tâm, cật vấn về lối đi của tâm linh, của những nỗi day dứt được và mất, thứ được và mất mang tính phổ quát cho một đời.


            Bởi giác quan của nhà thơ vô cùng tinh nhạy cho nên nhà thơ nhìn thấy, một cách tinh tế, những khoảnh khắc của trạng thái và cố định nó lại bằng những câu thơ cũng rất tinh tế.


            Bằng trải nghiệm của một người nhiều lần sày vảy, và bằng cả linh giác của người làm thơ, Trương Nam Chi thấy rõ hơn, thấy ráo riết hơn những nỗi đời. Trong nỗi đời có niềm vui, có đắng cay, có cả trộn lẫn giữa hai trạng thái, với sự vừa thảng thốt vừa bình thản: anh buông tay khi nào ta chẳng rõ. Bởi nỗi đời được nhận ra từ những sảy vảy, cho nên thơ của Trương Nam Chi luôn phảng phất tinh thần điềm đạm, nhân ái, dù có thể đó chỉ là ta tự giăng võng đưa mình mà thôi. Cũng bởi nỗi đời được nhận ra từ linh giác cho nên nhiều câu thơ của Trương Nam Chi tiến sát với chiêm nghiệm hơn là cảm nhận: hồn hoa khỏa bụi cát tường/hồn người đầm đẫm dặm trường gió giông. Nhiều lúc sự miêu tả trong thơ chị lại khiến người ta lặng đắng vì nó chứa đầy cảm giác như: đóa hoa lạnh câm trên phím dương cầm.


           Nhìn chung, cảm nhận của thơ của Trương Nam Chi về đời sống khá phong phú, đa dạng. Lúc là cảm nhận khoảng riêng tư về ý nghĩ thầm lén của mình, khi vươn ra rộng lớn ngoài cá nhân, lúc xa xăm, khi gần gụi, lúc mơ hồ theo lối ta ngồi tạc hồn vào đá/đá tạc hồn ta trong bóng ta, khi lại cụ thể chi tiết cầu trời cỏ được thơm lây/gót chân bén đất còn đây con đường. Và toàn thể những cái đó hợp lại để tạo ra thế giới của riêng chị.


            Cảm hứng về số phận, số phận từng cá nhân với những gian truân, khuất khúc của họ, dĩ nhiên cả của mình nữa, là nhịp chủ đạo chính trong thơ Trương Nam Chi, một nhịp chủ đạo mang tính căn cốt vì đó cũng là thiên chức của nghệ thuật. Thơ rộng hay hẹp, sâu sắc hay hời hợt phân biệt ở chỗ ấy, chỗ giao cắt giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cái tôi đơn độc thăm thẳm và cái chúng ta bát ngát, bao la, giữa sự thoảng qua và cái còn lại.


            Tôi tin là thơ của thơ Trương Nam Chi sẽ đến gần hơn với người đọc vào những khoảng vắng, hoặc lúc họ đang đứng trong bão tố của sự xáo trộn, đấy là khi con người cần lắng nghe tiếng lòng của nhau dù chưa từng gặp nhau, để học hỏi thêm chút ít, biết thêm chút ít, nhận phần an ủi chút ít, để biết được rằng thế giới nội tâm còn mênh mang hơn thế giới ta đang đi lại.


            Đôi khi thơ mang tới cho con người những điều quý hơn cả thuốc và bùa hộ mệnh. Nói cách khác, thu hẹp hơn, về với chính vóc dáng một câu thơ của Trương Nam Chi, đôi khi thơ là sóng nhu mì ghi lại giấc mơ xưa.


            Thơ là nghệ thuật sắp đặt ngôn từ, thế nhưng cái cuối cùng còn lại của nó chính là việc ghi lại diện mạo một tâm hồn, diện mạo ấy xây đắp bởi sự cố định những giấc mơ và những khoảnh khắc tâm trạng.
            Và ngẫm cho kỳ cùng thì thơ cũng là ngọn gió thổi qua các loại tâm trạng. Ở trường hợp thơ của Trương Nam Chi, tôi thấy điều ấy rất đúng.

 

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: