Thứ năm, 18/04/2024,

Trương Nam Chi từ "Dốc thiêng" đến "Nỗi buồn Pha lê" (Đặng Huy Giang) (10/05/2015)

 


Nỗi Buồn Pha Lê

 

Ngay ở bài thơ đầu tiên Là em… trong Dốc thiêng (NXB Hội Nhà văn 2013), ta đã bắt gặp nét khác trong cách dụng ngôn, dụng từ của thể thơ trên sáu dưới tám truyền thống của Trương Nam Chi. Những từ ngữ mạnh như “chướng”, “kiêu hãnh”, “mai phục”… tự dưng làm câu thơ rắn rỏi hẳn lên, có cá tính hẳn lên: Bụi em phiêu bạt thiên hà/ Gặp cơn gió chướng la đà bay lên/ Mưa em rơi giữa nhớ quên/ Một hôm kiêu hãnh tràn trên sông hồ/ Nắng em mai phục bất ngờ… Đến Đọc thơ bạn Nghiệp, mạch thơ lại chuyển sang hướng khác với sự chắc nịch cần thiết: Câu thơ/ Nào dễ/ Thay lời áo cơm Nghiệp thơ nhiều lắm thác ghềnh. Ấy là khi nhà thơ nhìn vào nghiệp thơ nói chung mà đúc rút ra sự trải nghiệm của cá nhân mình. Nhưng đến Hun hút hoàng hôn… có khổ thơ như được buột ra thật tài hoa: Ngồi buồn/ Lặng ngắm mây bay/ Tiễn thu qua ngõ, tiễn ngày qua đêm…

 

Nêu thế để thấy: Cung bậc của lục bát, nhiều khi cũng lên bổng xuống trầm lắm, cũng có khả năng “bao sân” lắm và cũng nhiều khi ít bị gò bó trong “đường ray” của niêm luật vốn mang tiếng là chặt chẽ, khó tính.

Sang đến Nỗi buồn pha lê (NXB Hội Nhà văn 2014), những câu thơ nhún nhảy, thanh thoát, có hàm ý, có thân phận và rất nữ tính ngày như một dày đặc hơn. Có thể dẫn chứng: Ơ này! Nhan sắc tôi ơi/ Cuộc vui trần thế chưa vơi đừng về và Ơ này! Nhan sắc đàn bà/ Bao giờ gỡ sạch/ Lời ra tiếng vào trong Nhan sắc; Thời gian rạn vết chân chim/ Trách hờn chi những nổi chìm thế gian trong Tàn tro; Chớp mi/ Là/ Đến hoàng hôn/ Vân vi gì/ Những vuông tròn/ Thế nhân trong Vuông tròn thế nhân; Một mình một/ Bóng/ Liêu xiêu/ Một giăng mắc/ Một…/ Bao nhiêu/ Cho vừa trong Miền vô ưu; Thiên đường/ Đã/ Chật ước mơ/ Len vào đâu/ Một câu/ Thơ lạc vần trong Mồ côi; Đêm qua thương nhớ/ Nở đầy lối/ Đi trong Trinh nữ; Mẹ cho/ Duyên/ Lặn vào trong/ Một hôm đượm nắng/ Duyên/ Bong/ Ra ngoài trong Duyên; Xa rồi còn một cái tên/ Khi buồn mình tự hát lên ru mình trong Tự ru; Vịn vào có, vịn vào không/ Thỉnh kinh Bát Nhã tụng trong tim mình trong Họa mi vẫn hót; Biết rằng mình/ Đã người dưng/ Thì thôi xem nhé/ Chưa từng/ Biết/ Nhau/ Em về/ Chưng cất niềm đau/ Lạ chưa!/ Kỷ niệm giấu đâu cũng/ Thừa trong Lạ chưa

Trong đó, những từ như Gỡ sạch trong Bao giờ gỡ sạch lời ra tiếng vào, Một giăng mắc trong Một giăng mắc một bao nhiêu cho vừa, Chật ước trong Thiên đường đã chật ước mơ… được coi là những chi tiết mới và lạ. Nhìn để cảm được thương nhớ cũng như một loài hoa trong Đêm qua thương nhớ nở đầy lối đi, thì quả là độc đáo, không dễ viết.

Thơ lục bát của Trương Nam Chi thường ngắt dòng, không theo một nhịp nào cụ thể. Điều này tạo đà cho nhịp điệu thêm tung tẩy, sắc màu tình cảm thêm khoáng đạt và hình thức thêm tươi mới, sinh động. Đọc thơ chị, ta càng hiểu thêm: Chính nội dung đã quy định hình thức, góp phần quyết định hình thức và trong sáng tác nói chung, không có hình thức (thể loại) nào bị coi là cũ cả.

Trong Nỗi buồn pha lê, có một bài thơ thật ấn tượng, nếu không muốn nói là ấn tượng nhất đối với tôi. Bài thơ có tên rất mô đéc như tên gọi của nó - Hậu hiện đại:

Bác Cò
Chị Vạc
Anh Nông
Cả ba xăng xái
Vặt
Lông Cô Gà
Vặt
Xong chà trấu lên

Xát thêm tro nữa
Thế

Hụt hơi
Quạ khoang tiếp sức
Đến nơi
Thấy…
Mèo đang
Diễn
Trò
Chơi hội đồng!

 

 

 

Hà Nội, tháng 3 năm 2015
Nhà thơ Đặng Huy Giang
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Chia sẻ:                  
Các bài khác: