Thứ sáu, 26/04/2024,

VỀ THĂM CÔ GIÁO  (19/11/2013)

VỀ THĂM CÔ GIÁO

                                                                                 DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI

 

Bài đăng trên báo QUẢNG NINH Cuối tuần

số 616 (664) ngày 17-11-2013

 

Thấm thoắt đã gần bốn mươi năm chúng tôi mới có dịp gặp lại cô giáo cũ thưở cấp II. Nhân một cuộc gặp mặt có Vũ Hữu Trí, một thằng bạn của nhóm bạn bè đồng học ở nước ngoài về, chúng tôi rủ nhau đi thăm cô giáo Trần Thị Bích Diệp ở xã Đình Cao-huyện Phù Cừ-tỉnh Hưng Yên. Chắc cô giáo đã già lắm vì căn bệnh thấp khớp từ ngày về đây dạy chúng tôi? Không biết cô đã phải vượt qua bệnh tật ra sao trong những năm tháng khó khăn ác liệt của thời bom đạn chiến tranh và cả thời đổi mới?

Đêm mùa thu. Sương lan tỏa chân trời như khói nhạt. Nhưng ánh trăng mười sáu vẫn vằng vặc trên đầu. Qua những cánh đồng, mùi bùn đất đặc trưng của vùng châu thổ thoảng lên ngai ngái. Gió heo may se se thổi vào mặt, mơn trớn trên tay. Đây đó tôi cảm thấy hao hao như quê mình. Cũng những rặng tre già sót lại bên vạ ao, những rặng bạch đàn thưa thớt trên bờ mương. Cũng những cây đa buông rễ xuống mặt cỏ, khuất phía sau là ngôi đền, ngôi miếu phảng phất khói nhang. Cũng những giàn cánh giấy la đà cổng ngõ, những chiếc cần vó lặng lẽ cúi xuống giữa sông. Những lúc này càng da diết làm sao hình ảnh quê hương và càng thấu hiểu sức hút kỳ lạ của nơi chôn rau cắt rốn. Mới vài bước thế này thôi, lòng đã tràn trề cảm xúc, huống chi những người như Trí bạn tôi xa quê xa xứ dài dặc hàng chục năm nay! Ngồi ghế bên, Trí thốt lên:

-Hơn hai chục năm trời ở Ca na đa, đêm nay được đi giữa đồng lúa bao la, thật vô cùng thú vị! Mình lại nhớ bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi mà cô Diệp dạy hồi nào: Việt nam đất nước ta ơi!  Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn?

Ngà ngà phía sau, Lập chen vào một kỷ niệm về cô giáo:

-Mình còn nhớ hôm đi gặt lúa giúp Hợp tác xã, Cô Diệp dậy từ sớm lo lắng, chẳng kịp ăn gì. Mải mê chỉ đạo học trò làm việc, cuối buổi lao động đói quá, cô bị ngã khuỵu, gục cả bó lúa vào bờ. Cả lớp hốt hoảng xúm lại… Nghĩ thương cô quá! Lúc bấy giờ cô giáo và học trò sao mà tận tụy, nhiệt thành, sống với nhau, với dân địa phương thật chân tình!…

Tôi bồi hồi bảo Trí: -Sắp nửa đêm rồi! Cơ này chắc cô giáo sẽ không thể ngờ lại có bọn học trò nơi xa từ trên trời rơi xuống sân nhà cô! Liệu cô có nhận ra chúng mình ngay không nhỉ?

-Để xem xem cô giáo sẽ nhận ra đứa nào trước!

Đi đến đâu chúng tôi lại thỉnh thoảng dừng xe hỏi thăm đến đó. Đêm trăng thanh vắng. Làng xóm, phố phường chìm dần trong giấc ngủ.

Nhà cô đây rồi! Đứng trước khoảng ngõ khép bằng hai cánh tre gai, chúng tôi lặng đi, vừa hồi hộp bâng khuâng vừa nóng lòng chen nhau lên trước. Nghe rõ từng tiếng thở của nhau.

Sau tiếng gọi, bà giáo thức dậy. Đèn điện trong nhà bật sáng. Một bóng người từ trong nhà đi nhanh ra sân lật đật mở tấm ngõ tre sang bên. Bà ngạc nhiên:

-Chao ôi! Các em ở Hà Nam Phong Cốc! Ngọn gió nào đưa các em về với cô thế này? Dương Phượng Toại đây mà! Cả Lập, cả Trí! Ôi cả Sáu, cả Sở… Còn ai nữa không ? Các em vào nhà đi!...

Lúc này chúng tôi mới rối rít chào cô, ồn ào cả khu ngõ xóm. Chúng tôi vào sân, tranh nhau cầm tay cô giáo như những chú Lùn vây quanh nàng Bạch Tuyết:

-Cô vẫn nhớ, vẫn nhận ra chúng em!

-Nhận được chứ! Đây còn cả Tình cả Lợi phải không? Làm sao cô quên được các em! Chắc đều lên ông nội bà ngoại cả rồi?

Bà giáo nhận ra từng đứa và còn đọc cả tên kèm của chúng tôi. Lập cào cào, Trí con, Sáu đen… Cái Sáu đen từng liều lĩnh gỡ đỉa bám chắc vào chân cô hôm cô trò đi gặt. Nó còn vo tròn con đỉa trong tay dấp dứ trêu cô…

Vào trong nhà, tôi quan sát thấy ngôi nhà xây thật đơn giản. Ở giữa có cái tủ trên bày bàn thờ gia tiên. Hai gian bên, ngoài hai chiếc giường gỗ, cái quạt điện, cái ti vi cũ, bộ bàn ghế nhựa… Chẳng còn thứ vật dụng gì đắt tiền, hiện đại hơn. Bà giáo sống thanh đạm như đời sống của các thầy cô giáo thời khó khăn chưa xa ấy. Nhưng tiếng cười của bà vẫn nhân hậu làm sao!

Cô trò lại kéo nhau ra sân, rải chiếu ngồi dưới trăng. Bà giáo ngồi ghế giữa. Chúng tôi ngồi vây chung quanh, ấm áp như đàn con lâu ngày được về gặp mẹ. Cô trò nhìn nhau như đếm được từng khắc thời gian trên gương mặt và tìm thấy bao nhiêu ký ức trong trẻo của một thời đi qua. Sau một lúc lâu tình cảm được giã nả, thay mặt cả bọn, tôi trân trọng đứng lên như trong giờ học cô gọi lên bảng đọc bài:

-Dạ thưa cô! Được thấy cô khỏe mạnh chúng em rất mừng! Chúng em hiện có mười người trong đó có sáu đứa nhóm “Kết nghĩa Sân trường” và có em Dương Phượng Đại đây là em ruột của em cùng lên thăm cô. Gặp mặt ở nhà em, xuất phát lúc 18 giờ 30, tới đây vừa đúng 24 giờ. Chúng em chỉ được thăm cô trong một giờ đồng hồ, rồi phải về vì phụ thuộc vào nhà xe...

Tôi lần lượt giới thiệu lại họ tên từng học trò và trích ngang thân thế sự nghiệp, công tác, chỗ ở hiện nay của mỗi đứa, rồi báo cáo với cô về ngôi trường Kim Bị cũ đã được xây dựng thay thế bằng một ngôi trường cao tầng mới. Cây cầu Sông Chanh đã bắc qua sông. Bây giờ đường sang phố huyện không phải lụy đò…

Nhìn khắp chúng tôi, giọng bà giáo trở nên ngập ngừng vì quá xúc động. Giọng bà không khác mấy ngày dạy học. Tôi vẫn nhớ mãi giọng trầm ấm rát riêng của bà như tiếng chày của dòng sông đượm sắc hồng phù sa mùa nước lớn đổ về cho những cánh đồng xanh tốt.

-Cô vô cùng cảm ơn các em! Cô cũng không thể tưởng tượng nổi ra cái ngày cô trò được sum họp ngay tại nhà cô thế này. Hình ảnh các em, hình ảnh ngôi trường Kim bị, ngôi trường cấp II đầu tiên trên vùng làng đảo Hà Nam ngày đó vẫn sống mãi trong trái tim cô. Cô ngỡ như vừa mới hôm qua cô trò mình còn đứng bên nhau. Năm 1972, cô về nghỉ với căn bệnh thấp khớp đã thành cố tật kinh niên và hoàn cảnh gia đình rất đỗi khó khăn. Nhà cô chỉ có bốn chị em gái. Ba chị đều mỗi người một phận. Riêng cô ở lại chăm sóc mẹ già tuổi tám mươi dưới căn nhà gianh ẩm ướt!

Chúng tôi được biết cô đã khước từ mọi sự ngỏ lời của những người đàn ông muốn chia sẻ và gánh vác cùng cô. Cô không muốn người khác phải vất vả, phải khổ sở vì mình. Mẹ già qua đời, cô thay mặt các chị em trông nom hương khói cho tổ tiên, cha mẹ và lặng thầm sống cùng vợ chồng đứa cháu ruột gọi cô bằng dì. Dì cháu cô phải đón nhận và chống chở bao nhiêu niềm vui nỗi buồn trong ngôi nhà nhỏ mới xây mấy năm nay…

Chúng tôi tặng quá bà giáo. Tôi tặng bà tác phẩm thơ văn sáng tác của tôi và một ít tôm sú luộc sẵn là sản phẩm gia đình tôi làm được. Bà nâng niu sản phẩm trên tay, mở qua mở lại như xem những bài kiểm tra.

-Ngày ấy em rất có khiếu văn học. Được thành quả này, cô rất mừng!

-Dạ thưa cô! Đó cũng chính là kết quả do cô ươm trồng, dạy dỗ chúng em và riêng em được ảnh hưởng từ những tiết dạy văn của cô… Tôi lễ phép trả lời.

-Cậu vẫn luôn là một học sinh khiêm tốn! Bà giáo khen tôi.

Trong đời học trò của tôi, cô giáo chủ nhiệm dạy văn Trần Thị Bách Diệp là người để lại nhiều kỷ niệm ấn tượng sâu sắc. Cô luôn mở rộng kiến thức liên hệ thực tế ví von cho học trò dễ hiểu. Toi uống lấy từng lời dạy từ tốn mạch lạc của cô. Đặc biệt là cách phát âm chuẩn chính tả của cô đã giúp tôi rất nhiều, không bị nói lẫn giữa âm l thành n hoạc tr thành ch… như thói quen của dân vùng Hà Nam thường nói. Tôi còn nhớ mãi một buổi sáng, cô và cô Dong mời nhà thơ Thanh Hao về nói chuyện thơ. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói chuyện thơ. Trong mắt tôi hồi đó, nhà thơ là một hình tượng lớn lao, cao quý và xa xôi lắm. Nhà thơ bình giảng bài thơ “Quê Hương” của giang Nam khiến cả lớp lắng nghe xúc động vô cùng. Ông còn đọc bài thơ của ông tặng hai cô gióa Bích Diệp và bích Dong. Từ đó tôi bắt đầu mơ mộng nghiệp văn chương và cô Diệp cũng là người đầu tiên đọc những bài thơ tập tễnh của tôi.

Quá đỉnh trời, trăng càng tỏ và trong hơn. Khóe mắt bà giáo ướt lệ.

 

Cuối cùng, cô trò cũng phải chia tay. Bóng bà giáo vẫn đứng đó trên ngõ nhỏ vẫy vẫy chúng tôi. Tiếng gà gáy chợt xâu chuỗi vang lên như những giọt ngọc tung vào không gian mờ ảo sương giăng ướt đẫm ánh trăng!     

 

 

       

 

 

 

 

Trang [1 ]