Thứ tư, 24/04/2024,

NHÀ Ở MIỆNG (06/11/2013)

NHÀ Ở MIỆNG!

Đấy là một lời mà tôi không thể quên hình ảnh với cách nói thâm trầm và tế nhị của cha khi dạy dỗ chúng tôi.

Lúc tôi mới bảy tuổi, cái tuổi mà bọn trẻ con ở nhà quê hồi bấy giờ còn non nớt, dại dột lắm, đâu đã có điều kiện được đi đây đi đó để khôn như bọn trẻ bây giờ! Cả ngày chỉ tha thẩn với con chó mực, con mèo mướp, với cây ổi, cây khế. Không gian tuổi thơ tôi quanh quẩn khoảng sân đầy ánh trăng, là mảnh vườn thơm chùm hoa cau chí chóe tiếng chim sẻ đón bình minh, là lối ngõ ven đồng lê la đánh bi đánh đáo...

Một lần, ngày mai nhà có giỗ. Chiều ấy, cha gọi tôi đến:

-Năm nay xem chừng con đã lớn, có thể làm được nhiều việc. Bây giờ thầy dặn con nhớ tên những người thân thiết của nhà mình. Con nhập tâm rồi đi mời giúp thầy. Mời là phải tới nơi tới chốn, không được “đi nói dối cha, về nói dối chú”, nghe chưa?

Tôi “dạ” một tiếng, như mình đã lớn phổng dậy. Nhưng trong lòng lại rất lo sợ, vì tôi đâu đã biết và thạo đường tới nhà các cô dì, chú bác, nhà bạn bè của cha tôi. Làm sao tôi có thể tự mình đi mời từng nhà với tâm trạng lạ lẫm và ánh mắt ngơ ngác của một thằng bé chưa bước khỏi vòng tay mẹ? Tôi ngước lên nhìn cha, rụt rè:

-Dạ thưa thầy! Con không biết nhà người ta đâu ạ! Ngộ con lạc lối thì... Tôi chưa nói hết ý, cha đã nhìn tôi rất ngiêm khắc. Một lát, người tủm tỉm cười rồi dùng hai ngón tay chụm lại vả nhẹ vào đôi môi của tôi:

-Nhà ở miệng đây con này!

Tôi biết tính cha không nói nhiều. Người thường lặng lẽ với ánh nhìn thẳng vào mắt tôi khi sai bảo, nhưng cũng như gợi mách tôi một điều gì đó mà tôi chưa thể nghĩ ra. Người muốn các con phải tự suy đoán và làm việc bằng trí thông minh của mình! Nghe một phải hiểu mười!...

Bâng khuâng ra ngõ, tôi vừa nhẩm thuộc tên từng người, vừa lung mung với câu hỏi trong đầu: Nhà ở miệng! Nhà ở miệng là thế nào nhỉ?

Tự dưng tôi chợt nghĩ tới câu ca mẹ tôi thường hát ru: “Trăm năm bia đá thì mòn. Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ...” Đúng rồi! Tấm bia ở đình làng. Hôm theo cha đi xem tế Thành Hoàng, tôi thấy cha xấp nước tay, xoa lên đó, mới đọc được những dòng chữ nho hiện lên do lâu đời mặt đá bị mòn. Còn chuyện nàng Thị Kính bị oan, cô Thị Mầu lẳng lơ, chàng Thạch Sanh thật thà, gã Lý Thông bịp bợm... thì cứ còn mãi trong lời bà, lời mẹ kể đêm đêm... Tôi ngợ ra rằng: Nhà ở miệng! Nghĩa là cái đầu tôi phải nhớ, cái miệng tôi phải biết hỏi mọi người xem nhà người mà cha dặn ấy ở đâu, ngõ ấy ở xóm nào?...

Tôi hăm hở bước đi. Gặp một bà cụ, tôi đánh bạo hỏi nhà người đầu tiên tôi định đến. Cụ chỉ lối và còn bày vẽ cho tôi cách gọi từ ngoài cổng, nhớ gọi tên con người ta, đừng gọi tên tục của cha mẹ và đừng xấn xổ vào ngay dễ bị chó cắn. Tôi cảm ơn cụ rối rít. Y rằng tôi gặp may và lần lượt mời được các ông bà, cô chú... bớt chút thời gian đến xơi nước, ăn bữa cơm rau muối với gia đình nhà cháu, v.v và v.v... Cứ thế tôi đến khắp lượt, không sai một nhà nào. Vừa đi tôi vừa huýt sáo miệng như con chim sáo nhảy nhót từ nơi này đến nơi khác. Chả mấy chốc làm xong việc cha giao, tôi về nhà với tâm trạng vui mừng khôn xiết. Cha phấn khởi xoa đầu tôi:

-Chim khôn thử tiếng, người ngoan thử lời! Hôm nay con đã lớn lên rồi đấy! Vậy là đã biết thế nào là “nhà ở miệng”. Phải không?

DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: