Thứ năm, 25/04/2024,


CHUYỆN BẮT MA CẦU MƯƠNG

 

Hôm cùng con trai đi quay camera làm phim video ca nhạc Dân ca “Nhớ mãi Quê hương” của chị Kim Quy vợ nhà văn Dương Hướng và cho Bà hoàng Rơm Rạ của tôi trên cánh đồng Cầu Mương, Ba Làng… tôi không khỏi ngỡ ngàng trước phong cảnh mùa thu như một bức phông lớn sáng láng ánh chiều. Tôi ngơ ngản trước không gian quê kiểng, như người mới đến đây và gặp lần đầu. Giữa thời xô bồ, náo nức bê tông, làng hóa phố, làng quê tôi vẫn còn sót nhiều nơi đẹp quá!

Đứng trên đầu một mom đất, tôi chợt nhớ nơi đây trước có một cây cầu gỗ cong nằm bắc qua sông. Cây cầu này gắn bó với người làng tôi đã bao đời, và cả với tôi, với bọn trẻ chăn trâu một thời thơ bé. Những buổi chiều tà, chúng tôi thường tắm cho trâu ở khúc sông này và rủ nhau nhảy bông nhê trên cầu xuồng dòng nước xanh trong. Ngụp lặn, té nước vào nhau ầm ĩ như bầy vịt lội đồng. Rồi đuổi nhau rẽ nước, đuổi nhau chạy lên cầu. Đứa nào cũng nắng chiều ướt nhoáng.

Bây giờ dòng sông phẳng lặng và thu hẹp lại nhiều. Mặt nước xanh biếc không còn trong trẻo nữa. Cây cầu bao đời cũng bị phá bỏ từ lúc nào.
Bỗng dưng nhớ cha tôi đến nao lòng. Một chuyện kể về cha lại hiện lên…

***

Đến những năm trước Cách mạng, Cẩm La còn là một ngôi làng nhỏ như một vạt bèo tấp vào bến sông. Con đường xóm Cửa Lũy, xóm Ba Làng, Thầu Đâu chính là những quãng đê cổ xáp mặt với cửa sông cửa biển. Ngoài xóm Ba Làng có mô đượng Vườn Mía khá lớn ở giáp bến sông, người dân họp chợ trên đó. Các làng thường gọi đây là chợ La, rồi chợ Ma. Chợ Ma ngày xưa, họp vào lúc nửa đêm, gà gáy.

Thuyền nghề đem về rất lắm cá, tôm, cua, mực tươi sống. Cư dân thời ấy đã có cách thử để biết tiền thật hay8 tiền giả. Vì đêm tối tù mù dưới ánh sáng của ngọn đuốc bập bùng hoặc ngọn đèn dầu leo lét bé bằng hạt đỗ, nên người bán hàng thường múc sẵn một chậu nước để bên cạnh. Ai mua hàng cũng phải thả đồng tiền vào chậu nước đó, đồng nào nổi ắt tiền giả, không nhận; đồng nào chìm thì đấy là tiền thật, mới nhận.
Một dạo dân làng đồn ầm ĩ: Cầu Mương cạnh chợ Ma có con ma áo trắng tóc dài, nom rất ghê sợ. Cứ vào khoảng nửa đêm gà gáy con ma lại xuất hiện nằm sõng soài vắt ngang cầu. Nó còn thả tóc dài chấm mặt nước. Người đẩy thuyền qua đụng vào mớ tóc rụng rời cả tay sào, ngã lăn xuống sông. Người đánh cá ngoài Cống Mương gánh cá về chợ bán, đang đi đến cầu bỗng vấp phải, quẳng cả quang gánh, bỏ chạy thục mạng. Con ma vột dậy, còn đuổi theo một quãng xa… Nhưng có điều rất lạ là sáng ra người ta quay lại thì không thấy quang gánh cùng cá tôm đâu cả.
Cha tôi (đang làm lý trưởng) biết chuyện, đầu tiên ông không tin. Có mà... thần hồn nát thần tính. Chứ làm gì có ma! Nhưng chuyện ma xuất hiện ở Cầu Mương mỗi lúc một rộ thêm. Trẻ chăn trâu mọi ngày gà gáy đã gọi rủ nhau đánh trâu ra đồng cho người cày nay nghe chuyện ma bỗng dưng không dám đi sớm nữa. Cha tôi cũng lấy làm lạ. Song ông tự hỏi: Chả lẽ có ma thật? Chả lẽ con ma lại biết lấy hết cả cá tôm? Khi hỏi những người bị ma đuổi thì họ đều thề sống thề chết đã gặp ma và bị cuỗm hết cả hàng hóa.
Ông bèn lập mưu cùng ông phó lý Khu và Ba Xâm ra xóm Cống Mương. Quá nửa đêm, trong vai tốp người gánh cá mỗi người một đoạn cách xa nhau, từ Cống Mương về chợ. Cha tôi đi trước. Khi đến Cầu Mương quả thật thấy hiện lên một thân hình người đàn bà mặc áo trắng toát nằm xõa tóc vắt ngang cầu. Cha tôi toát mồ hôi. Bóng ma vụt đứng dậy, nhảy múa. Cha tôi giả đò vứt quang gánh bỏ chạy lại đằng sau. Cách một đoạn xa, gặp hai ông đi tới, cha ra hiệu: có ma thật rồi! Nhưng hai chú phải bình tĩnh theo tôi!
Mọi người nín thở bò men theo bờ ruộng lúa đến chân cầu. Trước mắt họ, bóng ma áo trắng đang nhanh tắp nhặt đám cá vung vãi cho vào thúng. Nó đang định cất gánh thì ba người đồng loạt hô lớn:
-Ai? Đứng im!
-Dạ... Dạ... Tôi... tôi... Con ma buột miệng kêu, sụp xuống lạy như tế sao, run cầm cập: Tôi... là người...
Vậy là bắt sống tại chỗ ma dọa người để cướp cá!
Tưởng ai. Hóa ra bà Yến Đào! Nhà bà Yến Đào ở trên đượng Cừ Cốc có vườn ổi rậm như rừng. Trẻ chăn trâu thường lên đó hái ổi. Chồng chết đã lâu, bà ở một mình với đứa con gái còn nhỏ. Hằng ngày vẫn thấy hai mẹ con đi mót lúa, mò cua bắt ốc. Cha tôi hỏi: Sao bác lại đi làm cái trò này?
-Dạ! Nhà em không còn gạo ăn nên mới… làm ma… để lấy cá… bán lấy tiền… mua gạo…
Từ đó không còn thấy ma Cầu Mương xuất hiện!
---------------------
(Trích trong CÁNH CHIM BAY QUA VÒM TRỜI –Tập Truyện Vừa-sẽ xuất bản)

 

NHÀ Ở MIỆNG  (06/11/2013)
Trang [1 ]