Thứ hai, 14/10/2024,


Từ báu vật của Họ Vũ ở Làng Quỳnh đến một cuộc thi độc đáo và nhân văn của Báo Người cao tuổi Việt Nam (01/03/2012) 
Lời BT: Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Người sáng lập trang web lucbat.com, thường “có duyên” với những ý tưởng mới, mang tính nhân văn cao và được xã hội thừa nhận. Từ một câu chuyện có thật ở một làng quê nghèo xa xôi, anh đã nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc thi độc đáo, chưa từng có ở nước ta và vô cùng ý nghĩa với Hội Người Cao tuổi Việt Nam: Thi viết... Chúc thư (Di chúc). Cuộc thi đã được Báo Người cao tuổi công bố vào đúng ngày đầu của tháng 3 năm 2012.
Nhân dịp này, lucbat.com xin giới thiệu bài viết của tác giả xung quanh câu chuyện thú vị nêu trên...
 
 
  Nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng các CTV xuất sắc nhận Giấy khen của Báo NCT, sáng 1-3-2012
 
Giáp Tết 6 năm trước, một lần về quê, ông anh vợ tôi, vốn là một Trưởng thôn rất nhiệt tình với việc làng xã, tìm đến và bảo: “Chú là con rể họ Vũ, lại là một Nhà văn nhiều người biết đến, tôi muốn mời chú trưa mai đi dự một đám giỗ hay lắm. Biết đâu, nó sẽ là một đề tài cho chú sáng tác thành một tác phẩm có ích cho đời...”.
Tôi nhận lời, trưa hôm sau theo người anh vợ đi ăn giỗ. Đó là đám giỗ của Cụ Giáo nổi tiếng cả vùng, có họ xa với vợ tôi, mất trước đó đã 10 năm. Cả làng đồn rằng: trước khi qua đời, ông cụ để lại một báu vật vô cùng quý giá, nhưng lại dặn dò rất kỹ, bắt con cháu chờ đúng ngày giỗ lần thứ 10 của mình được mới mở ra.
Sinh thời, từ khi còn trẻ Cụ Giáo là người nổi tiếng trong vùng vì lối sống khá phong lưu. Thời bao cấp, trong khi hầu hết các gia đình còn khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, thì Cụ đã có xe máy. Chúng tôi rất ấn tượng khi mỗi chiều thứ Bảy, Cụ Giáo cưỡi trên chiếc “Con Thỏ” màu xanh (tức xe Votkhot, một loại mô tô phân khối lớn, 2 ống xả do Liên Xô sản xuất), phóng trên đường làng, khiến ai cũng phải ngoái lại nhìn theo đầy ngưỡng mộ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Cụ Giáo là người đầu tiên trong huyện tôi có xe “Cúp” của Nhật, người đầu tiên trong xã sắm vô tuyến đen trắng “Néptun”. Cứ tối đến, cái sân gạch nhà cụ lại chật cứng người đến xem nhờ chương trình vô tuyến cho tới khuya... Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghe Cụ Giáo từng bị kỷ luật, thậm chí còn bị “đi tù”, bởi có 2 đời vợ và 2 người con...
Đám giỗ thật đông, bởi chỉ riêng con cháu trong nhà đã ngót chục mâm. Người ta phải dựng rạp, mổ lợn, thịt gà, chế biến các món ăn từ tối hôm trước. Quê tôi có tục lệ ăn cỗ rất sớm, mới 9 giờ đã vào ngồi mâm, nên nhiều người nhịn bữa sáng, tới ăn gộp cùng bữa trưa luôn. Thường ăn xong thì mỗi người “lấy phần” một túi nhỏ, gồm nửa đĩa xôi, mấy thứ hoa quả, rồi mang về ngay cho người ở nhà. Nhưng hôm đó, ăn cỗ xong ai cũng nán lại, để chờ đợi một sự kiện trọng với họ Vũ của làng: Cùng chứng kiến việc con cháu Họ Vũ sẽ tiến hành mở cái tráp sơn son thếp vàng mà Cụ Giáo để lại. Nghe nói sinh thời, Cụ Giáo đã kỳ công thuê thợ mộc khéo tay nhất vùng làm nó mất nhiều ngày trời. Đặc biệt hơn, cái tráp có 2 ổ khóa, một do người con cả giữ, còn một do người vợ trẻ giữ.
Người vợ trẻ của Cụ Giáo kém chồng tới gần 30 tuổi. Sau ngày cụ mất, bà mang theo con ra gái và nỗi buồn ra nước ngoài định cư. Đúng 10 năm rồi bà mới có dịp trở lại Việt Nam, mang theo theo chiếc chìa khóa thứ 2. Rời sân bay Nội Bài, bà về thẳng nhà người chồng đã quá cố.
Phút giây quan trọng đã đến, cả 2 chiếc chìa khóa được tra vào ổ mở ra, đã lộ diện một gói lụa đỏ. Ai cũng đoán đó là một món đồ gia bảo rất quý giá đắt tiền, có thể là vàng, ngọc, hoặc kim cương... Nhưng không, bên trong những lần vải lụa được bao gói cẩn trọng chỉ có một chiếc băng catset cũ đã bị hư hại vì ẩm mốc và một bức thư của Cụ Giáo, chữ viết nắn nót dài 2 trang giấy học trò...
Người con trưởng xem qua rồi kêu to: Mời tất cả con, cháu, chắt, nội, ngoại trong nhà đến quỳ lại trước bàn thờ, để nghe tôi đọc “di chúc” của ông cụ.
Rồi ông hắng giọng đọc to:
Gửi các con, cháu, chắt yêu quý của ta!
Ta viết thư này cho các con, cháu, chắt, chút, chít... của ta đọc, khi ta vừa bước vào tuổi 70. Dù sức khoẻ còn rất tốt, đầu óc còn cực kỳ minh mẫn, nhưng ta biết rồi mình sẽ đi gặp tổ tiên vào một ngày nào đó. Sinh có hạn, tử bất kỳ ai mà tránh được quy luật muôn đời của tạo hóa. Sợ hãi, hay trốn tránh cái chết, đều là sự tự lừa dối chính mình... Cách tốt nhất, theo ta là đối diện, chủ động chấp nhận nó. Bởi thế, ta viết sẵn những dòng này, chúng đều được chắt lọc ra từ trái tim và tâm hồn mình và tự thấy lòng thanh thản vô cùng.
Khi những người thân yêu của ta được nghe những lời này, thì ta đã không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng hãy tin rằng ta vẫn ở quanh đây, rất gần con, cháu... luôn thấu hiểu từng nỗi buồn vui và dõi theo từng bước trưởng thành của mỗi người.
Nhìn lại cuộc đời mình, ta thấy chuyện buồn nhiều hơn vui, thất bại nhiều hơn thành công. Thời trẻ, ta là học sinh giỏi toán, nhưng lại chọn nghề dạy văn. Khi công tác, ta nắm chuyên môn rất vững, từng làm Phó Hiệu trưởng Trường cấp 3 huyện nhà. Nhưng chỉ vì dám công khai yêu một cô giáo trẻ, lại bị vu cho “làm thất thoát tài sản của công” (thời bao cấp, tội “hủ hóa, tham ô” là ghê gớm lắm) nên ta bị kỷ luật khai trừ Đảng, bị cách chức, thậm chí còn bị án tù treo... Ta không thù hận mấy kẻ xấu đã làm hại mình. Họ thật sự đáng thương hơn là đáng trách, vì suốt đời chẳng làm được gì, ngoài việc cơ hội và xu nịnh. Sau vấp ngã, ta đã tự mình đứng dậy, làm lại từ đầu và ta lại thành công...
Khi ngồi viết những dòng này, ta tự thấy hài lòng mà không ân hận, vì đã sống hết mình. Nếu còn có một kiếp sau, thì ta vẫn sẽ sống như vậy. Ta thà sống nhiều còn hơn sống lâu. Bởi trên đời này ý nghĩa cuộc đời mỗi người phụ thuộc vào những việc họ làm cho người khác, cho cộng đồng và xã hội; chứ ko phải vì người ấy sống được bao nhiêu tuổi. Có người ra đi khi mới đôi mươi, nhưng cuộc sống và cái chết của họ khiến muôn đời phải ngợi ca. Nhiều người sống thọ cả trăm năm, mà ý nghĩa cuộc đời họ lại không đủ viết thành một trang giấy. Ta có người bạn từng quyền cao, chức trọng, giàu có nhất nhì một tỉnh, nhưng khi về hưu rồi, ông ta sợ gặp người quen, không dám bước ra khỏi nhà. Ta cũng có người bạn chỉ là thường dân thôi, nhưng ai quen biết ông ấy cũng thấy cảm phục và thêm tự hào.
Vài lời nói riêng với Anh Cả: Mẹ của con là một người đàn bà tốt bụng mà ta phải chịu ơn suốt đời. Nhưng mối tình của ta với bà ấy là do sắp đặt và gả ép. Chúng ta đã phải sống chung, mà không có tình yêu. Sau nhiều năm ly thân, bà ấy đã tự nguyện làm đơn giải thoát cho ta, rồi mới qua đời. Dì Hai của con đã yêu ta thật sự, dù bà ấy từng là hoa khôi của Trường và tuổi đời kém ta tới hơn 2 giáp. Ta mừng vì dù khác mẹ, nhưng con đã chấp nhận và yêu thương em gái mình... Với trọng trách là Trưởng tộc, Anh Cả hãy là chỗ dựa tinh thần, đoàn kết cả gia tộc Họ Vũ ở làng Quỳnh. Trước khi “về già”, anh nhớ tìm dạy người thay thế xứng đáng.
Hỡi các con, cháu, chắt... của ta!
Ai đó nói rằng đã cao tuổi rồi thì nên sống vui khoẻ, chết nhanh, ít của để dành và nhiều người thương tiếc. Ta không có tiền bạc, của cải để lại cho các con cháu, mà chỉ có mấy câu tâm huyết diễn ca thế này:
Con cháu Họ Vũ làng Quỳnh
Hãy lấy nhân ái nghĩa tình làm sang
Trẻ thì chăm học, chăm làm
Già không ham hố bạc vàng mà quên
Tự mình lao động đi lên
Danh dự, đạo đức đặt trên tiền tài
Sinh con không kể gái trai
Tự hào gia tộc ai ai cũng làm
Họ Vũ muôn đời vẻ vang...
Tái bút, lưu ý thêm: Thư này, chỉ do Anh Trưởng, Cháu đích tôn, hoặc Trưởng tộc mới có quyền đọc cho mọi người cùng nghe, mỗi năm một lần, trong ngày giỗ của ta.
Vậy là 6 năm qua, gia tộc Họ Vũ ở Làng Quỳnh đã có thêm một tục lệ tốt đẹp: Cứ đến ngày giỗ của Cụ Giáo, con cháu lại tập trung đông đủ, thắp hương và nghe đọc di chúc của cụ; rồi ông Trưởng họ đứng lên phát biểu, ôn lại công lao sự nghiệp của người đã khuất, động viên con cháu sống tốt hơn…
Tôi đã kể lại câu chuyện trên với Nhà báo Kim Quốc Hoa và đề xuất việc tổ chức cuộc thi viết “Gửi lại mai sau”. Với trọng trách là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam, Tổng Biên tập Báo NCT, ông đã ủng hộ ý tưởng này và còn nói: Cuộc thi rất phù hợp với tinh thần “Sống vui, sống khỏe, có ích với gia đình và xã hội”. Mong rằng việc đọc Di chúc và ôn lại công lao sự nghiệp của người đã khuất trong ngày giỗ, như Họ Vũ ở Làng Quỳnh đã làm, được Người Cao tuổi cả nước học hỏi, rút kinh nghiệm và làm theo như một nét đẹp văn hóa truyền thống.
Hà Nội, tháng 2 năm Nhâm Dần
                ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
 
 
 
THÔNG BÁO VỀ CUỘC THI VIẾT THƯ
MANG TÊN “GỬI LẠI MAI SAU - 2012”
 
Với mục đích ghi lại những kỷ niệm trong quá khứ để lại cho thế hệ sau; đồng thời ca ngợi cái tốt, cái thiện và nhân văn;tạo thêm một hoạt động và “sân chơi” bổ ích cho Người cao tuổi; nhằm góp phần giữ gìn và tôn vinh kho tàng kinh nghiệm, xây dựng niềm tự hào về truyền thống gia đình dòng họ; đồng thời,cung cấp những bài học về cuộc đời của những người đi trước, để thế hệ con cháu mai sau sống tốt hơn và sống đẹp hơn.Báo Người cao tuổi tổ chức cuộc thi viết thư mang tên “Gửi lại mai sau - 2012”.
1. Đề tài và nội dung:
Cuộc thi chấp nhận mọi đề tài, nội dung: Quê hương, đất nước, con người; những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc ta xưa và nay; tình yêu thiên nhiên, đôi lứa; tình cảm gia đình, quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con cháu… Tác phẩm không vi phạm pháp luật, đi ngược lại đường lối tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng tới truyền thống đạo đức, văn hóa và đoàn kết dân tộc.
Trong cuộc đời mỗi Người cao tuổi đều có biết bao nhiêu những kỷ niệm buồn vui đáng nhớ. Mỗi chúng ta đều là một nhân chứng sống của lịch sử và có một “kho chuyện” về quá khứ. Dù quý vị quan niệm cuộc đời mình là thất bại, hay thành công; thì cũng đều có thể coi đó là tài sản tinh thần vô giá. Nếu không kể lại, không viết ra thế hệ sau đọc, sẽ là thiệt thòi, là thiếu sót với chính mình; có lỗi với bạn bè, người thân, đặc biệt là con cháu của chúng ta.
2. Đối tượng, thể loại và phương thức:
- Tất cả các tác giả, bạn đọc báo Người cao tuổi là công dân Việt Nam và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, không phân biệt tuổi tác, tôn giáo, nghề nghiệp… đều có thể dự thi.
- Người dự thi phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại, email (nếu có)... Ngoài tác phẩm dự thi,cần gửi thêm ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử người gửi thư; và ảnh chụp chung những người được nhận thư (ví dụ: ảnh chụp con cháu nội ngoại trong gia đình, nếu là thư gửi cho con cháu).
- Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt, dưới dạng một bức thư,  chưa công bố trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng (kể cả trên mạng internet);
- Mỗi tác giả dự thi được gửi không quá 3 tác phẩm; mỗi tác phẩm thư dự thi phải được đặt một tít bài (tên tác phẩm) riêng, và độ dài không quá 1.500 từ.
- Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Người cao tuổi - 12 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội. Email: baonguoicaotuoi@ fpt.org;
- Ngoài bì thư, hoặc email đều xin ghi rõ: Dự thi cuộc thi viết thư “Gửi lại mai sau”.
 3. Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 01 tháng 3 năm 2012 và kết thúc vào 31 tháng 12 năm 2012.
- Các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được giới thiệu trên Báo Người cao tuổi.
- Tổng kết trao giải được tổ chức vào đầu năm 2013. 
 4. Giám khảo và Giải thưởng:
Ban Giám khảo gồm một số nhà văn, nhà báo có uy tín.
Giải thưởng:
- 1 giải Nhất trị giá: 10.000.000 đồng.
- 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá: 5.000.000 đồng; 
- 5 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích, tặng phẩm đặc biệt của Ban Tổ chức.
Dự kiến, các tác phẩm tiêu biểu tham dự cuộc thi thư “Gửi lại mai sau” sẽ được tuyển chọn xuất bản thành sách và phát hành rộng rãi trên toàn quốc.
BAN TỔ CHỨC
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: