Thứ năm, 25/04/2024,


BÁO CHÍ VIẾT VỀ LỤC BÁT QUÁN VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG KÝ TÊN ỦNG HỘ THƠ LỤC BÁT... (20/02/2011) 

Ngày thơ năm nay đã là lần thứ IX, Văn Miếu - Hà Nội là địa chỉ thiêng liêng, quen thuộc để người yêu thơ cả nước có chỗ hẹn hò đi về. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong buổi họp báo tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đã phát biểu: “Ngày thơ không phải một hội thảo chuyên ngành về nghệ thuật thi ca mà là một cử chỉ đẹp đối với thi ca, đối với văn hóa. Công chúng khi đến đó có thể không nhớ một câu thơ nào cả, không nhớ một nhà thơ nào cả, nhưng họ có một tâm hồn dành cho thi ca. Với thi ca, họ cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn. Thi ca không phải là độc quyền của một hoặc nhiều tổ chức nào đó”.

Ngay từ Ngày thơ Việt Nam năm Canh Dần - 2010, Website Lucbat.com đã tổ chức sắp đặt Lục Bát Quán gây được sự chú ý trong báo giới và dư luận. Năm nay, với việc tổ chức khá khoa học và bài bản, Lục Bát Quán với vị trí đắc địa khi vinh dự nằm bên trái Khuê Văn Các đã thực sự gây ấn tượng mạnh với du khách và phóng viên báo chí đến dự và đưa tin về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9. Đặc biệt là, với Cuộc vận động Ký tên ủng hộ để Lục Bát là 'Quốc thi' (Quốc thơ) và Thơ Lục Bát là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lucbat.com trích đăng một số nhận xét, nội dung các báo viết về Lục bát Quán và Cuộc vận động nêu trên:

Một trong những không gian gây ấn tượng nhất của ngày thơ lại là Quán Thơ Lục bát của những người yêu thơ lục bát VN… Những người mê lục bát có website lucbat.com và còn vận động chữ ký tại chỗ. Rất nhiều cụ ông, cụ bà và khách nước ngoài đi xem ngày thơ đã vui vẻ ký vào các tấm băng zôn rất dài để trên các bàn vận động… Kết quả chưa biết đến đâu, vì nhiều người đã lập tức quên thơ ngay khi ra đến cửa Văn Miếu, nhưng cũng chứng tỏ tình yêu không vụ lợi với thơ của nhiều thế hệ người làm thơ và đọc thơ VN”. (Báo Tuổi trẻ ra ngày 18/02/2011)

Tại Quán thơ lục bát mỗi người ký tên lưu bút trên băng rôn lớn 'Ủng hộ để thơ Lục Bát trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại'. Mỗi chữ ký trên những tấm băng rôn này sẽ là một phần đóng góp không nhỏ cho hành trình đưa thơ Lục Bát trở thành di sản của Việt Nam và của nhân loại. (Thời báo Ngân hàng, số cuối tuần 17/02/2011)

Góc thơ của các câu lạc bộ năm nay vô cùng rộn rã, đặc biệt sôi động là Lục bát quán của trang web lucbat.com với lời đề nghị xin mỗi người một chữ ký ủng hộ lục bát trở thành quốc thơ, di sản văn hóa phi vật thể”. (Việt Nam Nét)

 Ngoài ra sự tham gia của CLB thơ Lục bát … cũng đã làm phong phú và hấp dẫn cho Ngày thơ lần thứ IX”. (Website: Tạp chí nhà văn)

Trong vườn thơ với 68 bức thư pháp Việt tươi tắn trong sắc đỏ của giấy hồng điều mang theo những câu lục bát bao gồm 3 chủ đề,  ca dao dân ca truyền thống, vẻ đẹp non sông đất nước và tình yêu đôi lứa. 68 bức thư pháp thơ lục bát mang biểu tượng của Lucbat.com này sẽ được dâng hương trong Văn Miếu vào ngày 14 tháng giêng và sẽ được tặng lại ngay trong Ngày thơ cho những người làm công việc thiện tâm, những người có đóng góp ủng hộ xây dựng cho Website Lucbat.com cùng với sách thơ Lộc Phát Canh Dần, Lộc Phát Kỷ Sửu... Lục bát Quán thơ mang hồn cốt Việt tại Ngày thơ Việt Nam năm Tân Mão sẽ là một dấu ấn đáng nhớ trong lòng mỗi người yêu thơ và đến với thơ”.  (Báo Người Cao tuổi, ngày 17/02/2011).

Đặc biệt, Lucbat.com trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc nguyên văn một bài viết của tác giả Huy Thông, với tiêu đề Ký tên ủng hộ Lục bát là “Quốc thơ”  trên trang nhất báo Thể thao & Văn hoá của Thông tấn xã Việt Nam, số 50 (3298), ra ngày Thứ bảy, 19/02/2011. (Lãng Tử Đạt Ma, tổng hợp và giới thiệu).

 

KÝ TÊN ỦNG HỘ LỤC BÁT LÀ “QUỐC THƠ”

 

(TT&VH) - Trong khuôn khổ lễ hội Thơ Việt Nam lần thứ 9, diễn ra tại Văn Miếu vừa qua, BBT website lucbat.com do Nhà thơ Đặng Vương Hưng làm “chủ xị” cũng tham gia với một Lục Bát quán.

 

Lucbat.com dựng Lục Bát quán không chỉ để cho “người đi mỏi gối về quanh chiếu ngồi”, uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc, bánh đa, hút thuốc lào sòng sọc, hay trò chuyện với những cô hàng nước xinh tươi ngồi bổ cau, têm trầu cánh phượng... mà còn “nhân cơ hội” thực hiện “ý đồ”: xin khách thơ ký vào băng-rôn dài 6,8m để ủng hộ thơ Lục bát là Quốc thơ và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!

Thực ra, việc tổ chức xin mỗi người một chữ ký để ủng hộ Thơ lục bát trở thành “Quốc thi” (Quốc thơ) và để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được thực hiện từ Lễ hội Lục Bát Canh Dần - 2010 (6/8 Canh Dần) và qua một số hoạt động khác do lucbat.com tổ chức.

Tại Văn Miếu năm nay, bên cạnh Lục bát quán mang đậm chát hồn quê dân dã, người đề ra ý tưởng đi tìm quốc thơ đã bố trí 10 tình nguyện viên là các thiếu nữ xinh đẹp mặc trang phục dân tộc, đeo băng đỏ, chữ vàng lucbat.com để mời chào các tác giả và người yêu thơ. Kết quả là, 3 chiếc băng-rôn rộng 1m x 6,8m đã kín đặc chữ ký (hiện đang được lưu giữ tại Lục Bát quán - 6/40 Võ Thị Sáu, Hà Nội). Trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc..., và còn có một nhà sư đến từ Ấn Độ cũng tham gia ủng hộ chữ ký.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng phấn khởi: “Nhiều người ủng hộ chữ ký lắm. Mà ủng hộ thật lòng chứ không phải... xã giao, ký cho xong đâu. Tiếc một nỗi là vì nhiều tác giả, người yêu thơ nữa muốn ký, nhưng không còn “đất”. Định nhờ các nàng đáo đi mua thêm mấy chục mét vải nữa, nhưng vì sợ người khác đánh giá “ăn theo” ngày thơ vốn rất đông khách mới được nhiều chữ ký thế nên không mua thêm vải nữa”.

Người sáng lập sân chơi Lục Bát còn cho biết thêm: Lucbat.com đang phối hợp với Tạp chí Hữu Nghị của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Báo Giáo dục và Thời đại - Bộ Giáo dục - Đào tạo và Báo Người cao tuổi - TW Hội Người cao tuổi VN, để xây dựng Đề án về hoạt động, xây dựng lộ trình dự kiến trong 5 năm với nhiều hoạt động phong phú để chỉ với mục đích như đã nói, chọn được Quốc thơ và đưa hồ sơ “hồn vía của dân tộc (thơ lục bát) đến được bàn của UNESCO và được tổ chức này công nhận là di sản. Có thể kể ra một số hoạt động sẽ được tổ chức trong thời gian tới như: Lễ hội lục bát, các đêm thơ lục bát, trình diễn sắp đặt thơ lục bát...

 

Ủng hộ Lục bát là Di sản thế giới

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết: Trong số Tết Tân Mão vừa qua, Tạp chí Hữu Nghị đã tiến hành phỏng vấn bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam về Cuộc vận động mỗi người một chữ ký để ủng hộ Thơ lục bát là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cá nhân bà hoàn toàn ủng hộ hoạt động này và nhấn mạnh:

Mỗi nền văn hóa và văn học có các loại hình đặc trưng riêng. Từ nghiên cứu của mình, tôi hiểu rằng lục bát là thể thơ thuần túy Việt Nam, không hề có ảnh hưởng nước ngoài. Nó đã tồn tại qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của Việt Nam. Thơ lục bát đã được chuyển thể vào hầu hết các bài dân ca Việt Nam, ca trù, hát chèo. Một trong những tuyệt phẩm của thể thơ này là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhờ đó, nó đã được công nhận là thể thơ độc đáo của Việt Nam.

Vượt qua thời gian, thể thơ truyền thống này đã duy trì sức sống của mình và trở thành một phần kho tàng trí tuệ Việt Nam, là tinh túy của nền văn hóa Việt Nam... Quá trình tiến cử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể mất nhiều thời gian và nỗ lực.

Nếu Việt Nam đề cử thơ lục bát để được công nhận thì cần phải chuẩn bị kỹ càng để chứng minh tiềm năng của nó”.

 

Bài: HUY THÔNG

(Thể thao văn hoá)

Ảnh: LÃNG TỬ ĐẠT MA

(Lucbat.com)

 

CHÙM ẢNH LỤC BÁT QUÁN TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ IX

(Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám rằm tháng Giêng)

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PCT Hội Nhà văn Việt Nam

uống chè xanh bên Lục bát quán

 

 

Viết thư pháp tiếng Việt

tặng du khách ủng hộ Lễ hội Lục bát Tân Mão (6/8 ÂL)

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải ăn trầu, uống chè xanh

và kể chuyện 'Huyền Trân công chúa' bên Quán lục bát

 

 

Nhà thơ Phạm Hồ Thu ký Ủng hộ Lục bát

là Quốc thơ và Di sản văn hoá phi vật thể

 

 

Em Nguyễn Thị Hằng - ĐH Quốc gia, một trong hàng trăm sinh viên ủng hộ chữ ký.

 

 

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ– Tổng biên tập báo Người Hà Nội, 

và BTV lucbat.com Vũ Thiên Kiều đang “ngắm” Lục bát quán

 

 

Lục bát quán bị “bao vây” bởi đông đảo du khách

 

 

 

MỜI BẠN ĐỌC XEM CHÙM ẢNH NGÀY THƠ VIỆT NAM

 

1. Quán thơ Lục bát toả hương trong Ngày thơ VN lần thứ IX

2. Rộn rã, sôi động ký Ủng hộ Lục bát là Di sản văn hoá phi vật thể

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Minh Hoa - hoaquynhchi@yahoo.com - 0989195567 - VTV3 đài THVN   (Ngày 14/03/2011 09:29:46 PM)
Tôi rất vui khi đón nhận thông tin này. tôi muốn thực hiện 1 chương trình Truyền hình về đề tài này để chung tay đưa lục bát Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Xin được liên hệ với Ban tổ chức .
Xin Cảm ơn !
Minh Hoa đt liên hệ 0989195567
Các bài khác: