Thứ sáu, 29/03/2024,


Hoàng Cầm (28/08/2008) 

I. Vài nét về tác giả

 

     Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.

 

     Ông nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống... Bài thơ Bên kia sông Đuống được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông.

Ông hiện sống ở Hà Nội.

 

     Đầu năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.

 

Tác phẩm

Hận ngày xanh (phóng tác theo Lamartine 1940);

Bông sen trắng (phóng tác theo Andersen 1940);

Cây đèn thần (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm, 1941);

Tỉnh giấc mơ vua (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm, 1942);

Thoi mộng (truyện vừa, 1941);

Hận Nam Quan (kịch thơ, 1944, 1942);

Bốn truyện ngắn (đăng Tiểu thuyết thứ Bảy từ 1939 đến 1943);

Kiều Loan (kịch thơ, 1945)

Ông cụ Liên (kịch nói, 1952);

Đêm Lào Cai (kịch nói 3 hồi, 1957);

Tiếng hát quan họ (trường ca, in chung trong tập Cửa Biển, 1956);

Những niềm tin (thơ dịch của Bonalan Kanfa - Algérie, 1965);

Men đá vàng (truyện thơ, 1989);

Tương lai (kịch thơ, 1995);

Bên kia sông Đuống (tập thơ chọn lọc, 1993) - Giải thưởng Nhà nước 2007

Lá diêu bông (tập thơ chọn lọc, 1993) - Giải thưởng Nhà nước 2007

Về Kinh Bắc (tập thơ, 1994);

99 tình khúc (tập thơ tình, 1955) - Giải thưởng Nhà nước 2007

 

 

II. Thi phẩm lục bát

 

 

Ánh mơ

 

Nhắn em tìm lại giấc mơ
Hỏi cây khô, gốc già nua giữa rừng
Diệu kỳ thổ nhưỡng mông lung
Mởn xanh lộc nõn ngây cùng như thơ
Đã xanh xanh suốt bốn mùa
Chẳng e băng tuyết chẳng ngờ nắng thiêu
Em nghe lắng một sông chiều
Giấc mơ linh hiển thương yêu nghìn trùng


6-2000 (Gọi đôi, NXB Hội nhà văn)

 

Hai ngả

 

Anh đi về phía không em
Em đi về phía dài thêm bão bùng

Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi

Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóe nẻo đời chưa khô

Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn.

 

Khi mùa xuân đến

 

Khi mùa xuân đến mắt em
Bỗng dưng biển sóng trào lên ngang trời
Dâng theo cả chín trận cười
Đậu chênh vênh bến mi dài rợp xanh
Khi mùa xuân đến mắt anh
Chon von dòng tóc
................em thành sông xa
Bên này sông
............đỏ phù sa
Bên kia sông
.........trắng nhập nhòa khói sương
Em thường khấn nguyện
...................mười phương
Mà quên cánh gió
................dân đường xuân đi
Đến nơi em cát khô lì

Đi bên em

Hỡi em khua guốc ưu phiền
Chìm trong mặt đá nét hiền dáng quê
Trăng đêm qua chẳng nhớ về
Áo mong manh cởi chiều mê mải sầu
Em đi chân lạnh từ đâu
Chắt chiu quấn lụa càng đau ruột tằm

Nhớ em gió nhẹ nhàng thăm
Em đau sao ruỗi dáng nằm nhẩn nha
Tiếng cười hay tiếng xót xa
Tiếng yêu hay tiếng khóc òa vì thương
Em chia khế ớt tẩm đường
Môi tê hé gọi mười phương ngọt ngào

Hàng mi em rớt ánh sao
Em đi chân đất khuất vào cõi anh.

(Tập Mưa Thuận Thành - 1991)     

 

Xanh xưa

(berceuse)
Gửi Ph. Q.

Thương em sóng cuốn mà quên
Dọc đê toàn ớt chỉ thiên tía hồng
Đôi ba năm khép một vòng
Vòng cay xé lưỡi mắt ròng tuổi mưa
Chợt nghe sông cạn bao giờ
Đắng cay đứng sững mấy bờ nhân duyên
Đáy bùn quẫy mạnh ngó sen
Hỡi ơi! Sông Sở sông Tiền đó chăng?
Sương mù đóng chắc giá băng
Vùi trong trắng... xóa vĩnh hằng thơ ngây
Để em đau nỗi riêng này
Chỉ thiên cứ mọc ngón tay nguyện thề!

Thôi em! Cỏ mịn chân đê
Anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa
Chỉ tay xuống đất làm mưa
Mát chân em khoả lững lờ nguồn xuân
Tan rồi hạt bụi ái ân
Vướng mi em một đôi lần... phải không?


                       (Đêm 25-8-1990)

 

Hoàng Cầm


 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: