Thứ sáu, 19/04/2024,


Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam - Phần I (08/08/2008) 

 

1. Thể lục bát Việt Nam có từ bao giờ, từ đâu, đang là những vấn đề tồn nghi. Thoạt đầu, khi thấy có tới hơn 90% ca dao được sáng tác theo thể lục bát, nhiều người đã nghĩ: lục bát có từ ca dao. Theo cách nghĩ đó, Nguyễn Văn Hoàn đã có bài viết khá công phu nhan đề “Thể lục bát từ ca dao đến Truyện Kiều”, trong đó dự đoán rằng “thể lục bát, sớm nhất, cũng chỉ xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV”(1). Còn khi phát hiện thấy thể lục bát trong nhiều tác phẩm văn học viết vào thế kỷ XVI còn chưa chặt chẽ cả về phối thanh lẫn vần luật và chỉ được hoàn thiện dần cho đến khi Truyện Kiều ra đời, người ta lại nghĩ: thể lục bát phải bắt nguồn từ văn học viết. Một số người khác, khi thấy thể lục bát cũng có mặt ở một số nước Đông Nam á, đã nghĩ về một khả năng du nhập vào nước ta, tuy nhiên hướng tiếp cận này đã không được thực hiện, có lẽ vì thiếu căn cứ. Thiết nghĩ cũng cần hiểu rằng sự du nhập tuy là hiện tượng phổ biến, nhưng không phải mọi sự giống nhau đều do du nhập. Nhiều sản phẩm trùng lặp cần phải được xem như là hiện tượng trùng sáng tạo giữa các dân tộc. Như vậy, nếu một dân tộc nào đó ở Đông Nam á chứng minh được một cách thuyết phục rằng thể lục bát của họ đích thực là do dân tộc họ sáng tạo ra thì việc tìm ra nguồn gốc thể lục bát trong nền văn học người Việt cũng sẽ là tiếng nói góp phần khẳng định nguyên lý trùng sáng tạo giữa các dân tộc. Đó là chưa kể khả năng ngược lại cũng có thể xẩy ra, một khi chỉ tìm được nguồn gốc thể lục bát từ những sáng tạo của người Việt.

Thực tế cho thấy, mặc dầu thừa nhận lục bát là thể thơ được sử dụng phổ biến nhất trong thơ ca Việt Nam, nhưng trước một bài toán khó như vậy nhiều người thường bỏ qua, đôi khi có ai đó nêu ra để bàn luận, cũng không được hưởng ứng rộng rãi. Hai tác giả đã có công trình chuyên sâu về ca dao là Nguyễn Xuân Kính với Thi pháp ca dao và Phạm Thu Yến với Những thế giới nghệ thuật ca dao(2) cũng đã bỏ qua hoặc không đề cập đầy đủ đến vấn đề này. Còn những người quan tâm đến thể lục bát thường đi tìm nguồn gốc của nó theo hai xu hướng:

- Một là tìm qua một số dấu vết trong ca dao như ngôn ngữ, điển tích... Thí dụ Hoa Bằng đã dẫn câu ca dao:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy

để dựa vào niên đại hội chùa Thầy gắn với Từ Đạo Hạnh (tục truyền là tiền thân của Lý Thần Tông, ở ngôi 1128-1138) rồi từ đó khẳng định thể lục bát có trước đời Lý.

Đối với Nguyễn Đổng Chi, thời gian xuất hiện của thể lục bát còn xa hơn, khi ông xem lời ca dao:

Thương chồng nên phải gắng công

Nào ai xương sắt da đồng chi đây

có nội dung nói về Bà Trưng những năm bốn mươi đầu công nguyên, rồi suy ra thể lục bát phải có trước đó(3).

 Phan Diễm Phương đã rất có lý khi phản bác ý kiến của cả Hoa Bằng và Nguyễn Đổng Chi bởi hai ông đã không có căn cứ để xác định những câu ca dao đó có được sáng tác đúng vào mốc lịch sử được nói trong văn bản hay không, nghĩa là nội dung văn bản chưa thể là căn cứ xác định thời điểm ra đời của thể thơ. Vả lại, mốc ra đời không hẳn đã chứa đựng thông tin về nguồn gốc của đối tượng. Cứ nhìn vào tính hoàn thiện của thể lục bát trong các dẫn chứng mà Hoa Bằng và Nguyễn Đổng Chi nêu ra đủ thấy những lời ca dao đó được sáng tác khi thể lục bát đã được sáng tạo khá hoàn chỉnh, nghĩa là nếu quả tình nó được sáng tác đầu công nguyên như ý kiến Nguyễn Đổng Chi thì thể lục bát phải có từ trước đó rất lâu. Thế nhưng, như Phan Diễm Phương đã chỉ ra, trong thực tế mãi đến thế kỷ XVI nhiều tác phẩm văn học viết vẫn còn sử dụng thể lục bát một cách “xô bồ, lỏng lẻo”. Dựa vào ý kiến của nhà ngôn ngữ học và dân tộc học Pháp, A.G. Haudricourt, khi nghiên cứu nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt, Phan Diễm Phương cho rằng một khi đến thế kỷ thứ VI tiếng Việt mới hội đủ ba thanh (không, huyền và sắc) để có thể tạo dựng luật phối thanh cho thể lục bát, thì thể lục bát không thể ra đời trước đó.

- Hướng tiếp cận thứ hai có tính khoa học hơn, tức là: dựa vào tính chất chưa hoàn thiện của thể lục bát trong những tác phẩm văn học viết có thể xác định được niên đại, để tìm dấu vết thể thơ này. Phan Diễm Phương đã rất công phu chia sự phát triển của thể thơ lục bát làm ba giai đoạn và khảo sát thể thơ này trong một loạt tác phẩm như Đào nguyên hành, Cổ Châu Phật bản hành, Thiên Nam ngữ lục... rồi đi đến kết luận: “ở giai đoạn thứ nhất, thể thơ còn nằm trong tình trạng khá xô bồ, lỏng lẻo, do ý thức về một khuôn mẫu còn mờ nhạt”(4). Sự “xô bồ, lỏng lẻo” được Phan Diễm Phương chỉ ra cụ thể “trước hết qua sự gieo vần”, “tiếp đến là về phối điệu”. Và giai đoạn một, theo xác định của Phan Diễm Phương, ở vào giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Những ý kiến của chị khá xác đáng, được chứng minh đầy sức thuyết phục và có thể là căn cứ để khẳng định rằng dù có nguồn gốc ở đâu thì vào giai đoạn này thể lục bát vẫn chưa được hoàn thiện. Mặc dầu không nói thẳng ra rằng thể lục bát có nguồn gốc từ văn học viết, nhưng những gì mà Phan Diễm Phương chứng minh trong công trình của mình, đều hướng người đọc đến nguồn gốc của thể lục bát từ trong văn học viết. Tuy nhiên, có lẽ những dấu tích trong các tác phẩm được chị khảo sát cũng không hẳn đã là căn cứ để khẳng định thể lục bát có nguồn gốc từ trong văn học viết giữa thế kỷ XVI, bởi vì biết đâu các tác giả này đã mượn thể lục bát từ văn học dân gian giai đoạn đó để sáng tác? Mặc dầu đã rất chặt chẽ và khoa học, nhưng trong lý sự của Phan Diễm Phương vẫn còn chỗ trống, tức là thể thơ được chị xem “còn nằm trong tình trạng khá xô bồ, lỏng lẻo, do ý thức về một khuôn mẫu còn mờ nhạt” là sản phẩm bắt đầu hay tiếp theo của thể lục bát? Nếu chứng minh được rằng trước Đào nguyên hành, Cổ Châu Phật bản hành, Thiên Nam ngữ lục... chưa có bóng dáng của thể lục bát cả trong văn học viết lẫn văn học dân gian, cũng như chưa được du nhập từ ngoài vào, thì những kết luận của chị mới hoàn toàn có sức thuyết phục.

Để chứng minh cho tính lỏng lẻo về “sự gieo vần”, Phan Diễm Phương dẫn ra ba hiện tượng:

-           Trong các tác phẩm đó, ngoài vần bằng (B) còn có cả lục bát gieo vần trắc (T). (Thế nhưng, điều này trong tục ngữ, ca dao cũng có - NXĐ).

-           Bắt vần ở tiếng thứ 6 là cố nhiên, nhưng cũng có khi bắt vần ở tiếng thứ 4. (Điều này cũng không hiếm trong tục ngữ, ca dao - NXĐ).

-           Có trường hợp sử dụng vần ở vị trí lưỡng thể: cả ở tiếng thứ 4, lẫn ở tiếng thứ 6. (Cả điều này nữa cũng có thể tìm thấy trong tục ngữ, ca dao, mặc dầu không nhiều - NXĐ).

Còn về sự lỏng lẻo trong “phối điệu”, Phan Diễm Phương lấy bốn vị trí: 2 - B, 4 - T, 6 - B và 8 - B làm đối tượng khảo sát, trong đó có hai vị trí được chị xếp vào tình trạng lỏng lẻo là:

-           Vị trí tiếng thứ 2 ở nhiều dòng thơ còn sử dụng vần trắc. (Thật ra, cái mà Phan Diễm Phương gọi là “lỏng lẻo” ở đây hiện đang tồn tại như một vị trí bất qui tắc trong tục ngữ và ca dao. Chúng tôi đã có bài viết nhan đề Về thể lục bát trong ca dao đăng trong Tạp chí Văn học số 2 năm 2002, trang 78-84, trong đó thống kê được 29,6% ca dao lục bát sử dụng vần trắc ở tiếng thứ 2 mà không cần một điều kiện nào – NXĐ).

-           Việc sử dụng vần bằng ở tiếng thứ 4 cũng gặp trong những tác phẩm lục bát giai đoạn này. (Trong thực tế, Truyện Kiều đã 7 lần sử dụng vần bằng ở tiếng thứ 4 và hiện tượng này cũng tìm thấy trong ca dao – NXĐ).

Ngày nay, khi khảo sát thể lục bát đã hoàn thiện, người ta chỉ ra được những đặc điểm sau:

-           Gồm hai dòng lục và bát (trên 6, dưới 8).

-           Âm vận được qui định bởi tiếng thứ 6 dòng lục gọi là tiếng thả vần, hoặc gieo vần (có thể B hoặc T).

-           Tiếng bắt vần nằm phổ biến ở vị trí thứ 6, hoặc đôi khi ở tiếng thứ 4, dòng bát.

-           Luật phối thanh lục bát vần bằng(5) được qui định bởi các tiếng thuộc vị trí thứ 4, 6 và 8, trong đó tiếng thứ tư vần trắc, tiếng thứ sáu, thứ tám vần bằng và đối thanh (huyền ngang) ở dòng bát. 

Về thời điểm ra đời, từ những dấu hiệu được Phan Diễm Phương chỉ ra, chúng ta có thể suy ra rằng dù xuất xứ từ đâu thì thể lục bát cũng chỉ có thể ra đời không lâu trước thế kỷ XVI. Mặt khác sự lỏng lẻo của thể lục bát cổ mà Phan Diễm Phương chỉ ra trong những tác phẩm văn học viết thế kỷ XVI hiện vẫn tồn tại đến bây giờ trong tục ngữ, ca dao, đã mách bảo chúng ta rằng không có lý gì để khẳng định thể lục bát phải bắt đầu từ những tác phẩm văn học viết mà chị khảo sát. (còn tiếp)

Tác giả Nguyễn Xuân Đức(*)

----------

Chú thích:

(*) Tác giả Nguyễn Xuân Đức: Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

(1) Nguyễn Văn Hoàn: bài đã dẫn. TC Văn học số 1/1974.

(2) - Nguyễn Xuân Kính: Thi pháp ca dao. Nxb KHXH 1992.

     - Phạm Thu Yến: Những thế giới nghệ thuật ca dao. Nxb Giáo dục 1998.

(3) - Hoa Bằng: Thử xét một số tài liệu có liên quan đến thể lục bát. Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa, số 42, 7/1958.

    - Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá tái bản. Sài Gòn 1970.

 Cả hai đều dẫn theo Phan Diễm Phương trong cuốn: Lục bát và song thất lục bát, Nxb KHXH 1998, tr.18, 19.

(4) Phan Diễm Phương: Lục bát và song thất lục bát. Nxb KHXH 1998, tr..22.

(5) Lục bát vần trắc có số lượng không nhiều nên chúng tôi không nói tới ở đây.

 


Lucbat.com trân trọng cảm ơn tác giả NGUYỄN XUÂN ĐỨC đã gửi bài cộng tác tới website!

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: